Các doanh nghiệp thường cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng bằng cách gửi thông cáo báo chí hay gửi thư mời tham gia vào các sự kiện của công ty, có thể là sự kiện nhỏ để gây dựng mối quan hệ hoặc sự kiện lớn như họp báo…Thông qua một bên thứ ba thì thông tin doanh nghiệp cung cấp cho công chúng sẽ có sức thuyết phục hơn, độ lan tỏa nhanh và độ tin cậy cao. Khi được phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến một cái tên là chưa đủ, phương tiện truyền thông chỉ hữu ích khi có những mẩu chuyện, những bài báo, chuyên đề để công chúng có thể ghi nhớ và xây dựng độ tin cậy với thương hiệu. Các bài báo, tin tức có nội dung đa dạng, viết về một nhóm doanh nghiệp cùng ngành, hay về sản phẩm mới, một bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề quan trọng nào đó, các bài viết chia sẻ ý ý kiến, kinh nghiệm với công chúng, một bài viết của người tiêu dùng phát biểu suy nghĩ, cảm nhận về một hàng hóa dịch vụ nào đó, hoặc tham gia vào các chương trình có liên quan.
Bên cạnh việc gửi thông cáo báo chí tới các phương tiện truyền thông, doanh nghiệp cũng mời các phương tiện truyền thông tới khảo sát thực tế doanh nghiệp để viết bài. Tất cả đều là cách để doanh nghiệp thể hiện mình trước công chúng và xây dựng cái nhìn tích cực của họ về thương hiệu. Hiệu quả của những thông tin dạng này rất cao vì không ai tiếp thị cho doanh nghiệp tốt bằng chính những công chúng của họ một khi đã gây dựng được niềm tin.
Tuy nhiên cũng có thể thấy rằng với mức độ sử dụng như vậy, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém trong hoạt động truyền thông thương hiệu. Hơn nữa, vì không có chuyên môn nghiệp vụ, không có người chuyên trách nhiều kinh nghiệm nên thông cáo báo chí thường đạt hiệu quả chưa cao, thậm chí đi ngược lại với thông điệp ban đầu định truyền tải, chưa kể đến các tình huống bị báo chí phê phán, lên án…
Một mặt trái của phương tiện truyền thông là nhiều đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp hay lợi dụng báo chí để gây thiệt hại cho doanh nghiệp, đưa ra những tin đồn thất thiệt ảnh hưởng công việc sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp. Ví dụ: tháng 10 năm 2004, do thông tin sai lệch từ một bài báo mà hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty Nutifood đã phải chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt là gây tâm lý hoang mang cho hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước. Thiệt hại tính được bằng con số là 8 tỉ đồng, tuần đầu tiên việc sản xuất ở công ty bị đình trệ, doanh thu giảm 7-0-80 % [20]. Những thiệt hại vô hình là rất lớn không thể thống kê.